Mỗi ngày, bạn vô thức lướt qua hàng trăm thương hiệu ngoài đời thực và cả trên thế giới trực tuyến. Nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó may mắn được bạn chú ý và ghi nhớ. Khách hàng của bạn cũng vậy. Họ đọc nhanh qua các bài viết, quét qua các ứng dụng yêu thích. Nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ 43% người dùng truyền thông xã hội nhớ đến thương hiệu sau khi tiêu thụ nội dung do thương hiệu đó tạo ra.
Vậy làm thế nào để người tiêu dùng quan tâm đến thương hiệu? Brand guideline hay bộ quy chuẩn thương hiệu là chìa khóa để thương hiệu quản lý hình ảnh nhất quán trong tâm trí người tiêu dùng. Cùng W2O tìm hiểu những điều thú vị về brand guideline qua bài viết dưới đây!
Định nghĩa brand guideline
Brand guidelines, được dịch là bộ quy chuẩn thương hiệu hay cẩm nang thương hiệu, là tập hợp các quy tắc trong thiết kế nhằm xác định tổng quan về diện mạo và cảm nhận của thương hiệu.
Brand guidelines sẽ giới thiệu chi tiết các yếu tố được sử dụng trong thiết kế ấn phẩm truyền thông của thương hiệu. Từ các thành tố cấu thành nên logo thương hiệu, font chữ, màu sắc, tone giọng,… Bộ quy chuẩn thương hiệu thể hiện định vị của doanh nghiệp và hình ảnh thương hiệu xuất hiện để khách hàng của bạn có thể nhận biết trên tất cả các nền tảng.
Tìm hiểu thêm: Brand là gì?
Cẩm nang thương hiệu bao gồm những gì?
Logo và cách sử dụng biến các biến thể logo
Logo là biểu tượng quan trọng nhất để nhận diện thương hiệu. Trong cẩm nang thương hiệu, sẽ có quy định về kích thước, tỷ lệ, khoảng cách giữa các yếu tố tạo nên logo, font chữ (đối với logo chữ), màu sắc chuẩn và kích thước nhỏ nhất được chấp nhận,… Logo luôn cần được xuất hiện một cách nổi bật và đúng chuẩn nhất. Do đó thương hiệu thường sẽ thiết kế thêm một vài biến thể logo để đặt trên những phông nền khác nhau như logo xuất hiện trên nền trắng, nền đen,…
Người sử dụng có thể lựa chọn biến thể phù hợp sao cho logo có thể xuất hiện một cách rõ ràng, thu hút. Đồng thời, bạn sẽ không được phép tự ý điều chỉnh bất kỳ thay đổi nào của logo nếu không có trong điều khoản có thể chấp nhận được của brand guidelines như màu sắc, kích cỡ, hình dáng,…
Màu sắc đặc trưng của thương hiệu
Thông thường, màu đặc trưng cho thương hiệu cũng chính là màu sắc trong logo. Bộ quy chuẩn thương hiệu sẽ có bảng màu cố định, cung cấp mã hex chính xác trong trường hợp đăng trực tuyến và giá trị CMYK nếu dùng cho in ấn. Khi đó, bảng màu thương hiệu sẽ được sử dụng đồng bộ trên tất cả nội dung truyền thông. Vì màu sắc đặc trưng này thường gắn liền với tính cách của thương hiệu, giúp truyền tải cảm xúc nhất định đến khách hàng.
Font chữ chính của thương hiệu
Mỗi thương hiệu sở hữu 1-2 font chữ chính dùng trong toàn bộ ấn phẩm truyền thông, gồm 1 font chữ chính và 1 font chữ bổ sung. Tương tự như logo, brand guidelines sẽ quy định rõ ràng về kích thước, khoảng cách giữa các ký tự, thậm chí một số thương hiệu còn thêm có thêm độ rộng giữa các hàng.
Phong cách viết – giọng văn
Giọng điệu truyền thông cũng cần được xác định và duy trì nhất quán trên tất cả nền tảng. Do đó, bộ quy chuẩn thương hiệu cũng cần có những tiêu chuẩn nhất định về phong cách viết để copywriter hay content creator lựa chọn từ ngữ và phương thức biểu đạt phù hợp nhất.
Chẳng hạn, nếu thương hiệu định vị hình ảnh của một chuyên gia hàng đầu thì giọng văn sẽ mang tính trang trọng, câu từ rõ ràng tạo sự tin cậy. Ngược lại, nếu thương hiệu muốn truyền tải hình ảnh trẻ trung, tinh nghịch hướng đến các bạn trẻ thì thường sử dụng ngôn ngữ gần gũi, bắt trend.
Vì thế, cẩm nang thương hiệu càng nêu rõ ràng và cụ thế, người viết càng dễ dàng sáng tạo ra bài viết tạo kết nối mạnh mẽ với thương hiệu đó.
Tầm quan trọng của Brand guidelines
Tăng mức độ nhận diện thương hiệu
Giữa vô vàn thương hiệu đều muốn được nhớ đến, một bộ quy chuẩn thương hiệu được triển khai đồng bộ sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng “chỉ mặt gọi tên” và trở nên quen thuộc trong tâm trí họ.
Xây dựng hình ảnh nhất quán
Brand guidelines được xem như tài liệu tham khảo chung để thương hiệu xây dựng hình ảnh nhất quán trên các phương tiện truyền thông. Việc sử dụng đồng bộ và lặp lại liên tục trong thời gian dài sẽ giúp thương hiệu dễ dàng ghi dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng. Từ đó, khách hàng sẽ nhớ đến đặc tính của thương hiệu và góp phần hình thành uy tín thương hiệu.
Tiết kiệm nguồn lực
Một bộ quy chuẩn thương hiệu toàn diện sẽ bao gồm mọi thứ từ kiểu chữ, bảng màu sắc đến giọng điệu và tuyên bố sứ mệnh. Thông qua đó, brand guidelines cung cấp tất cả các hướng dẫn cần thiết để truyền đạt thông điệp đúng cách, mỗi khi thương hiệu hợp tác với agency hoặc thuê designer mới để tạo ra tài liệu tiếp thị mới cho công ty. Điều này giúp thương hiệu tiết kiệm thời gian hướng dẫn lại về các tiêu chuẩn để nhận diện.
Top 3 brand guidelines đầy ấn tượng của các thương hiệu nổi tiếng
Netflix
Netflix là cái tên vô cùng quen thuộc với các tín đồ xem phim. Với màu đỏ nổi bật trên nền đen, logo Netflix được thiết kế với một chữ “N” vừa đại diện cho chữ cái đầu của tên thương hiệu, vừa thể hiện sự đa dạng, phong phú trong những bộ phim mà dịch vụ này cung cấp.
Về font chữ, Netflix sử dụng font Gotham – font chữ phổ biến trong thiết kế đồ họa và Netflix Sans – font chữ tùy chỉnh được thiết kế riêng cho Netflix cho các tiêu đề, mô tả và các văn bản trên trang web và ứng dụng. Font chữ Aktiv Grotesk thì dùng cho các dòng chữ nhỏ hơn, giúp cải thiện khả năng đọc và tương tác của người dùng trên nhiều thiết bị khác nhau.
Là một nền tảng cho đại chúng, Netflix mang giọng điệu thoải mái với ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu như cuộc đối thoại giữa hai người bạn. Trong brand guidelines của Netflix còn quy định về cách sử dụng logo, tỷ lệ màu sắc tương phản để đảm bảo thương hiệu luôn xuất hiện một cách thu hút nhất. Bạn có thể đọc chi tiết hơn về Brand Guidelines của thương hiệu này tại đây.
Spotify
Spotify là nền tảng nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới , với hơn hàng triệu bài hát và đa dạng thể loại âm nhạc. Ra mắt vào năm 2008, Spotify đã ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục với lượng người dùng và trung thành không ngừng tăng cao. Brand Guideline của Spotify tập trung chủ yếu miêu tả các bảng màu và biến thể logo của thương hiệu.
Brand guidelines SpotifyTrong đó, logo chính của Spotify là một vòng tròn màu xanh lá cây với ba đường cong màu trắng bên trong. Bảng màu của thương hiệu này cũng khá đơn giản, gồm 3 màu cơ bản với xanh lá là màu chủ đạo, kết hợp cùng màu đen và trắng để tạo nên các phiên bản khác nhau. Spotify sử dụng font chữ Circular trong mọi ấn phẩm truyền thông của thương hiệu. Vì là nền tảng âm nhạc, giọng điệu của thương hiệu này mang tính đối thoại, tạo cảm giác vui vẻ, gần gũi để kết nối với người tiêu dùng.
Trong bộ quy chuẩn thương hiệu, Spotify còn có nhiều quy định về ký tự đặt tên album, tên nghệ sĩ, hoặc cách đặt liên kết với Spotify để nhân viên, đối tác sử dụng tài sản thương hiệu một cách chuẩn xác nhất. Bạn có thể đọc chi tiết hơn về bộ quy chuẩn tại đây.
Vietnam Airlines
Vietnam Airlines là một trong những hãng hàng không hàng đầu Việt Nam hiện nay. Logo của Vietnam Airlines đã trải qua 3 lần thay đổi nhằm tái định vị thương hiệu và thể hiện tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo. Logo hiện tại của thương hiệu vẫn giữ biểu tượng hoa sen màu vàng và phần chữ Vietnam Airlines được sắp xếp cân đối và cố định, gồm 2 bố cục ngang và dọc trên nền xanh hoặc nền trắng tùy thuộc vị trí đặt logo sao cho thương hiệu dễ nhận diện nhất.
Trên đây là những thông tin về brand guidelines là gì mà W2O tổng hợp được. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn.