Bộ nhận diện thương hiệu chính là đại diện cho hình thức bên ngoài của một doanh nghiệp. Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu làm nên cá tính, bản sắc riêng biệt của doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh. Vậy bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những gì? Các bước thiết kế bộ nhận diện thương hiệu độc đáo, ấn tượng? Cùng W2O tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Bộ nhận diện thương hiệu là gì?
Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những yếu tố hữu hình của doanh nghiệp như tên gọi; logo; tagline/slogan; màu sắc, phông chữ đại diện; âm thanh đặc trưng; hay ấn phẩm truyền thông marketing,…Các yếu tố này sẽ được thiết kế đồng bộ và nhất quán, phù hợp với định vị của thương hiệu trên thị trường. Điều này còn giúp khách hàng dễ dàng nhận diện và phân biệt thương hiệu này so với thương hiệu khác.
Bộ nhận diện thương hiệu cần thể hiện được tính cách, thuộc tính và giá trị cốt lõi của thương hiệu. Khi thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, ngoài yêu cầu tính thẩm mỹ và sự độc đáo của thương hiệu, doanh nghiệp cần đảm bảo không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ hay Luật cạnh tranh với các thương hiệu khác.
Tầm quan trọng của bộ nhận diện thương hiệu
Tạo sự khác biệt
Các yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu như hình ảnh logo, câu slogan ấn tượng,…là những điều mà người tiêu dùng nhớ đến khi nói về thương hiệu đó. Từ đó, giúp thương hiệu trở nên nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh. Và khách hàng sẽ có xu hướng lựa chọn thương hiệu mà họ dễ dàng nhận diện và cảm thấy quen thuộc.
Xây dựng lòng tin, uy tín
Bộ nhận diện thương hiệu được xem như là bộ mặt đại diện cho thương hiệu. Sở hữu một bộ nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp, có tính liên kết và nhất quán khi truyền thông sẽ làm tăng uy tín thương hiệu, thúc đẩy hành vi mua hàng. Người tiêu dùng cũng cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm của một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh.
Truyền tải thông điệp đến khách hàng
Bộ nhận diện thương hiệu được sử dụng để quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu và hỗ trợ truyền tải thông điệp đến khách hàng. Thông qua các yếu tố như màu sắc, hình ảnh, âm thanh,…bộ nhận diện thương hiệu truyền đạt giá trị cốt lõi và tầm nhìn của doanh nghiệp một cách rõ ràng. Đồng thời, một bộ nhận diện thương hiệu bắt mắt còn giúp thu hút sự chú ý của khách hàng và gia tăng mức độ yêu thích thương hiệu.
Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những gì
Tên thương hiệu, logo, slogan
Đây là yếu tố đầu tiên cần nhận biết khi người tiêu dùng tiếp xúc với thương hiệu. Trong đó:
Logo: Thiết kế logo cần thể hiện đúng tầm nhìn, giá trị cốt lõi thương hiệu, sao cho khi nhìn vào logo, khách hàng có thể dễ dàng liên tưởng đến thương hiệu bạn đang đại diện cho điều gì. Doanh nghiệp thường thiết kế thêm những phiên bản logo thay thế bên cạnh một logo chính khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu để xuất hiện trên các ấn phẩm truyền thông được nổi bật hơn.
Slogan: là câu khẩu hiệu của thương hiệu. Slogan thường gói gọn trong một câu thể hiện sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp. Một số câu slogan nổi tiếng, có thể kể đến như: Nike với câu slogan “Just do it”, hay “Nâng niu bàn chân Việt” của Biti’s,…Nhờ đó, khách hàng dễ dàng ghi nhớ và hình dung được điểm khác biệt và đặc trưng của thương hiệu giữa vô vàn sản phẩm/ dịch vụ tương tự nhau.
Bộ nhận diện thương hiệu tại văn phòng
Doanh nghiệp có thể thiết kế bộ nhận diện thương hiệu tại văn phòng bằng cách đặt logo, biển hiệu tại cửa ra vào, chỗ lễ tân hay vị trí nổi bật trong văn phòng làm việc. Bên cạnh đó, từ những vật phẩm được dùng trong văn phòng như: ly uống nước, bút bi, tài liệu, hồ sơ,…đến thẻ nhân viên, đồng phục đều có thể thiết kế theo màu sắc thương hiệu và có in logo trên đó.
Cần lưu ý rằng toàn bộ những yếu tố tạo nên bộ nhận diện thương hiệu tại văn phòng cần được thiết kế đồng bộ, nhất quan và liên kết chặt chẽ đến bộ nhận diện chung của thương hiệu.
Bộ nhận diện thương hiệu tại điểm bán & ngoài trời
Tại điểm bán, các vật liệu dùng để thu hút khách hàng như POSM gồm backdrop, standee, sản phẩm trưng bày,…cần đúng với bộ nhận diện thương hiệu. Hay khi quảng bá ngoài trời các billboard, banner,…được sử dụng để tăng nhận diện thương hiệu. Điều quan trọng là luôn đảm bảo mọi ấn phẩm truyền thông đều phản ánh đúng bộ nhận diện thương hiệu để tạo ra một trải nghiệm gắn kết với khách hàng.
Nền tảng mạng xã hội, website
Mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube,…là công cụ tuyệt vời giúp hình ảnh thương hiệu được phủ sóng rộng rãi trên toàn thế giới. Bộ nhận diện thương hiệu trên mạng xã hội của doanh nghiệp có thể bao gồm: ảnh bìa và ảnh hồ sơ trên tài khoản mạng xã hội của thương hiệu, ảnh trên bài đăng, ảnh chạy quảng cáo,…cũng như giao diện và trải nghiệm người dùng trên website. Sự nhất quán giữa tất cả hình ảnh thương hiệu xuất hiện trên mạng xã hội và trang web giúp người dùng có trải nghiệm liền mạch, tăng mức độ nhận biết và quen thuộc với thương hiệu.
Bao bì sản phẩm
Bao bì sản phẩm không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sản phẩm một cách tốt nhất mà còn là ấn tượng đầu tiên của khách hàng về sản phẩm. Bao bì sản phẩm là một phần của bộ nhận diện thương hiệu, góp phần truyền tải thông tin giá trị về sản phẩm và phản ánh chất lượng bên trong. Do đó, thiết kế bao bì sản phẩm bắt mắt, thu hút sẽ giúp doanh nghiệp tạo thiện cảm ban đầu và kích thích mong muốn dùng thử sản phẩm của khách hàng.
Các bước thiết kế bộ nhận diện thương hiệu
Phân tích khách hàng mục tiêu
Khi thiết kế bộ nhận diện thương hiệu thương hiệu, bạn cần hiểu rõ đặc điểm, nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu. Bởi bộ nhận diện của bạn sẽ khó gây ấn tượng nếu được thiết kế không phù hợp với ưu tiên, sở thích và mong đợi của khách hàng.
Chẳng hạn, nếu khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp là những người từ 60 tuổi trở lên, thì bạn không nên sử dụng màu sắc quá sặc sỡ hay mang tính vui nhộn. Do đó, sự phù hợp với sở thích, hành vi của khách hàng mục tiêu là yếu tố đầu tiên bạn cần quan tâm.
Phân tích thương hiệu
Để bộ nhận diện thương hiệu có thể phác họa đầy đủ và chân thật tính cách thương hiệu mà doanh nghiệp mong muốn hướng đến, thì việc phân tích thương hiệu nên được bắt đầu ngay từ khi thiết kế. Bạn cần thống nhất định vị, câu chuyện thương hiệu và thấu hiểu sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp để sáng tạo ý tưởng thiết kế theo đúng định hướng đề ra.
Ngoài ra, để bộ nhận diện thương hiệu của bạn trở nên độc đáo và khác biệt, bạn cần tìm hiểu và phân tích các đối thủ cạnh tranh để hạn chế tình trạng trùng lặp, hay sự nhầm lẫn không đáng có giữa hai thương hiệu.
Lên concept chủ đạo
Sau khi phân tích thị trường, thương hiệu và đối thủ cạnh tranh, bạn đã có ý tưởng sơ khai về bộ nhận diện thương hiệu sẽ trông thế nào. Nội bộ doanh nghiệp cần thống nhất và tìm ra ý tưởng chủ đạo phù hợp nhất. Doanh nghiệp có thể triển khai phác thảo 2-3 ý tưởng xuất sắc nhất. Sau đó, đưa ra đánh giá để lựa chọn concept phù hợp nhất.
Thiết kế các yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu
Khi đã có được concept chính, đội ngũ thiết kế của doanh nghiệp sẽ bắt đầu triển khai ra thành các yếu tố cụ thể trong bộ nhận diện thương hiệu. Tùy theo nhu cầu và lĩnh vực hoạt động của mỗi doanh nghiệp, bộ nhận diện thương hiệu sẽ gồm các hạng mục khác nhau. Tuy nhiên, bộ nhận diện thương hiệu sẽ bao gồm thiết kế các yếu tố cơ bản như: tên thương hiệu, logo (màu sắc chủ đạo, phông chữ chủ đạo), slogan, namecard, vật dụng dùng trong văn phòng, brochure giới thiệu công ty, bảng hiệu, đồng phục nhân viên, bìa hợp đồng,….
Đăng ký bảo hộ thương hiệu
Sau khi hoàn thành bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh, bạn cần kiểm tra tính độc quyền để tránh vi phạm bản quyền của thương hiệu khác. Đồng thời bạn cần nhanh chóng đăng ký bảo hộ thương hiệu để đảm bảo quyền lợi pháp lý cho thương hiệu. Điều này ngoài tránh việc thiết kế bị sao chép trong tương lai còn thể hiện được sự chuyên nghiệp của thương hiệu.
Triển khai bộ nhận diện thương hiệu vào thực tế
Doanh nghiệp có thể sử dụng bộ nhận diện thương hiệu mới vào các hoạt động truyền thông marketing sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu. Khi đó, doanh nghiệp có toàn quyền sử dụng bản thiết kế và được đảm bảo bởi pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể bắt đầu training nhân viên và đối tác về cách sử dụng đúng bộ nhận diện thương hiệu.
Theo dõi, đo lường
Để đảm bảo tính thống nhất và dễ nhận diện, thông thường nhiều doanh nghiệp sử dụng bộ nhận diện thương hiệu trong một thời gian dài qua nhiều thập kỉ. Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng thị trường không ngừng thay đổi, để trở nên gần gũi và cải tiến hình ảnh thương hiệu thì doanh nghiệp sẽ tiến hành thay đổi, chỉnh sử bộ nhận diện thương hiệu.
Vì nếu không thay đổi, hình ảnh thương hiệu rất dễ trở nên lỗi thời, không phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu và sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, bạn cần đặt ra những mốc thời gian nhất định, chẳng hạn sau 3-5 năm để đánh giá và đo lường lại toàn bộ hiệu quả hoạt động của bộ nhận diện thương hiệu.
Ví dụ về những mẫu thiết kế bộ nhận diện thương hiệu đẹp nhất
Vinamilk
Trong suốt 47 năm hình thành và phát triển, Vinamilk luôn là thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam, luôn không ngừng thay đổi để theo kịp xu thế thời đại và tầm nhìn chiến lược. Ngày 6/7/2023 vừa qua, Vinamilk chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới – một nỗ lực tái định vị thương hiệu, đánh dấu quá trình hiện đại hóa trải nghiệm cho người dùng và là nền tảng để Vinamilk bứt phá trong tương lai.
Bộ nhận diện thương hiệu được thực hiện một cách bài bản với kinh phí đầu tư khủng, với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà tư vấn hàng đầu về chiến lược và thương hiệu của Việt Nam và quốc tế.
Coca Cola
Coca-Cola là một trong 3 công ty thực phẩm và đồ uống hàng đầu thế giới. Trong đó, bộ nhận diện thương hiệu góp phần không nhỏ vào sự thành công hiện tại của Coca-Cola. Sở hữu phông chữ script nghiêng kết hợp cùng màu đỏ cổ điển dễ nhận biết và thu hút từ xa, tạo cảm giác quen thuộc và gần gũi với người tiêu dùng. Đồng thời, màu đỏ chủ đạo hay hình lon nước của Coca cola còn tạo cảm giác tươi mới, sảng khoái, nhiều năng lượng và dễ dàng kích thích vị giác người dùng.
Lời kết
Bộ nhận diện thương hiệu chính là những hình ảnh, biểu tượng hiện lên trong tâm trí người tiêu dùng khi nói về một thương hiệu nào đó. Mỗi ngày, người tiêu dùng có thể lướt qua hàng trăm thương hiệu khác nhau, do đó bộ nhận diện thương hiệu cần được thiết kế tỉ mỉ, bài bản và sử dụng nhất quán nhằm mang lại hiệu cao nhất. W2O hy vọng bài viết trên có thể cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích, chi tiết về bộ nhận diện thương hiệu.